Chùa là nơi hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi thờ cúng tâm linh có vai trò rất quan trọng trong văn hóa người Việt. Ngoài thờ Phật chùa Việt Nam còn thờ thần, thờ tam giáo, thờ Trúc Lâm tam tổ. Hãy cùng tìm hiểu về cấu trúc và kiến trúc chùa Việt Nam trong bài viết sau nhé.
Có những cấu trúc chùa nào?
Theo cấu trúc chùa, người ta chia ra thành 04 kiểu cấu trúc: Chùa chữ Đinh, chùa chữ Công, chùa chữ Tam, chùa kiểu Nội công ngoại quốc.
Chùa chữ Đinh
Là chùa có thường định hay còn gọi là chính điện (nơi đặt bàn thờ phật) được nối thẳng góc với nhà Bái đường hay còn gọi là tiền đường. Tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này phải kể tới: Chùa Bích Động (Ninh Bình), chùa Trăm Gian (Hà Nội), chùa Dư Hàng (Hải Phòng),…
Chùa chữ Công
Là chùa có Chính điện và Bái đường song song và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là thiêu hương – nơi các nhà sư làm lễ (có nơi còn gọi là ống muống). Tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An), chùa Keo (Thái Bình),…
Chùa chữ Tam
Là kiểu chùa có 03 nếp nhà song song thường gọi là chùa Hạ – chùa Trung – chùa Thượng. Chùa Tây Phương, chùa Kim Liên (Hà Nội) tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này.
Chùa kiểu Nội công ngoại quốc
Là kiểu chùa có 02 hành lang dài nối nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (còn gọi là nhà tổ hay nhà tăng) phía sau tạo thành một tổng thế hình chữ nhật bao bọc lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện và các công trình kiến trúc khác ở giữa. Về mặt bằng, bố cục chùa phía trong có dạng chữ Công, phía ngoài có khung bao như chữ Khẩu hoặc chữ Quốc.
Kiến trúc cơ bản của chùa
Thiết kế kiến trúc chùa nước ta được xây dựng và phát triển phong phú qua các thời kỳ lịch sử. Chùa chữ Tam phổ biến ở Miền Nam, chùa của người Mường làm bằng tranh tre đơn giản, chùa của người Khmer theo lối kiến trúc Campuchia và Thái Lan, chùa người Hoa cũng mang sắc thái kiến trúc riêng.
Tam quan
Bộ phận không thể thiếu trong kiến trúc chùa Việt Nam, thường là ngôi nhà với 03 cửa dẫn vào chùa. Nhiều chùa lớn có tới 02 tam quan, tam quan ngoại và tam quan nội, phía trên tam quan có gác chuông.
Sân chùa
Đi qua tam quan sẽ bước tới sân chùa, sân chùa được bài trí hòn non bộ, cây cảnh làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên. Trong sân chùa đôi khi được xây dựng 1 ngọn tháp (như chùa Dâu, chùa Thiên Mụ…), diện tích sân chùa phụ thuộc vào đặc điểm mỗi chùa.
Bái đường
Từ sân chùa bước lên bậc thêm ta sẽ tới được lớp kiến trúc đầu tiên của chùa là Bái đường (hay còn gọi là tiền đường). Nhà bái đường có thể đặt một số tượng, bia đá ghi sự tích của ngôi chùa, có thể đặt cả chuông, khánh nếu như ngoài cửa Tam quan không xây gác chuông.
Giữa bái đường là hương án, nơi thắp hương chính. Thông thường người đến lễ chùa thắp hương ở đây. Số gian của bái đường tùy thuộc vào quy mô của chùa, nhỏ nhất là 3 gian, thông thường là 5 gian.
Chính điện
Đi qua bái đường là tới chính điện. Giữa bái đường và chính điện có một khoảng trống không rộng lắm, để cho ánh sáng tự nhiên chiếu sáng. Nhà chính điện là phần quan trọng nhất của ngôi chùa vì nơi đây bày những pho tượng Phật chủ yếu của điện thờ Phật ở Việt Nam.
Hành lang
Chạy song song với chính điện, nối chính điện với hậu đường là hai gian hành lang, tạo thành một nhà ba gian.
Hậu đường
Qua nhà chính điện, theo đường hành lang ta đến nhà tăng đường (còn gọi là nhà hậu đường), cũng còn gọi là nhà tổ. Nhà hậu đường ở một số chùa trong miền nam Việt Nam liền sát sau nhà chính điện, ngay sau phía bàn thờ Phật.
Trong thực tế, chùa có nhiều biến thể khác nhau. Tại một số chùa, phía sau điện thờ Phật còn có điện thờ Thần, đó là loại chùa tiền Phật hậu Thần phổ biến ở miền Bắc Việt Nam.
Có chùa có gác chuông ở phía trước, có chùa có gác chuông ở phía sau, có chùa gác chuông ở ngay trên cửa Tam quan, có chùa gác chuông lại ở trên nhà tổ. Một số chùa có ngôi tháp lớn ở trước mặt, như chùa Dâu ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Phổ Minh ở tỉnh Nam Định, nhưng một số chùa khác lại đặt các tháp ở hai bên chùa hay có vườn tháp riêng như chùa Trấn Quốc ở Hà Nội, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, Chùa Bổ Đà ở tỉnh Bắc Giang…
Các loại pháp bảo trong chùa
Trong chùa có 04 pháp bảo bao gồm:
- Bát: Là 1 trong 6 vật dụng của các nhà sư. Bát là pháp bảo bắt nguồn từ truyền thuyết chiếc bát khất thực.
- Liên hoa (hay hoa sen): Liên hoa là hình ảnh tượng trưng cho diệu pháp của đạo Phật, có cả hoa và quả cùng lúc, mang tới nhiều điều tốt lành. Hoa sen là hình tượng rất phổ biến trong điêu khắc Phật giáo.
- Chuông: Tiêng chuông ngân lên rồi tắt lụi, có thể nghe được mà không bắt được. Tiếng chuông giúp thức tỉnh và gọi. Theo Phật giáo, thế giới hiện tại là vô thường, mọi thứ đều sẽ tàn lụi, chúng hiện hữu trong cảm giác người quan sát nhưng lại không có thực. Mọi thứ đều nhất thời giống như tiếng chuông vậy. Trong nghi lễ đạo Phật, tiếng chuông dùng để kêu gọi tín đồ cầu nguyện và lễ phật. Chuông có 2 loại; Chuông to treo trên gác Tam quan hay ở nhà bái đường, có thể nặng vài trăm kg. Chuông nhỏ hơn, tượng trưng thường đặt ở tay một số vị thánh như Quán âm nghìn mắt nghìn tay, Tứ Đại Thiên Vương.
- Gương: Tượng trưng cho hư không và phản ánh tất cả yếu tố của thế giới hiện hữu nhưng lại thu lấy bản chất của chúng. Gương diễn tả sự phù du của ảo vật. Gương có thể được đặt trên tay của Quan Âm nghìn mắt nghìn tay hay một vài pho tượng Tôn giả.
Bài viết trên là những thông tin cơ bản về cấu trúc và kiến trúc chùa Việt Nam để các bạn có thể hiểu thêm được nhiều hơn về văn hóa chùa chiềng của nước ta.